Danh mục
SECO TƯ VẤN GIẢI PHÁP TRỌN GÓI
Lượt truy cập
  • 5
  • 4541
  • 8,638,317

Trạm cân có cũng như… không

  29/09/2015

Đầu năm 2015, Sở GTVT tỉnh Long An chính thức đưa vào sử dụng trạm cân di động tại khu vực thị trấn Bến Lức (huyện Bến Lức, Long An). Trạm cân này được Tổng cục Đường bộ Việt Nam đầu tư, cấp cho Long An sử dụng để cùng cả nước chấn chỉnh, xử lý vấn nạn xe quá tải.

Tuy nhiên, theo người dân tại khu vực, kể từ khi có trạm cân này, xe quá tải thường đổ dồn vào tuyến tỉnh lộ 830C để né trạm. Điều này gây bất an cho người dân vì những nguy cơ làm hư hỏng đường và mất an toàn giao thông.

Né trạm cân dễ như… đi chợ

Nhiều ngày quan sát tại khu vực, PV nhận thấy nhiều xe tải từ miền Tây khi qua cầu Bến Lức đến ngã tư Long Kim (thị trấn Bến Lức) thì rẽ trái vào thị trấn Bến Lức để theo tỉnh lộ 830C rồi về TP.HCM. Đáng lưu ý cách nơi rẽ trái khoảng 500 m là trạm cân tải trọng và các loại xe đã rẽ trước khi “đụng” trạm thường là xe container thùng đôi, xe tải cồng kềnh chở sắt thép, cọc bê tông…

Chỉ trong vòng 10 phút có mặt tại đây, chúng tôi ghi nhận có vài chục xe có dấu hiệu quá tải đi né trạm cân. Đơn cử chiếc sơmi rơmoóc (được kéo bởi đầu kéo) biển số 51R-01… chở chín cọc bê tông. Một thanh tra giao thông (TTGT) cho biết mỗi cọc bê tông này nặng khoảng 6 tấn, trong khi sức chở của sơmi rơmoóc khoảng 38 tấn. Như vậy, chiếc xe này có thể đã quá tải đến 16 tấn.

Trong khi đó, tại khu vực trạm cân, cơ quan chức năng chỉ kiểm tra, cân được một số xe tải của các doanh nghiệp địa phương và các xe từ khu vực cảng Bourbon. “Cánh tài xế thường ngại trạm cân nên tìm cách tránh né. Ở chỗ này, trạm cân nằm sau ngã ba thì dại gì chúng tôi đi thẳng để “đụng” trạm cân cho phiền” - một tài xế nói.

Ông Nguyễn Văn Tý (một người dân địa phương) cho hay trước đây, xe tải từ các xe container, xe chở hàng chủ yếu theo quốc lộ 1A để thẳng về TP.HCM. Tuyến tỉnh lộ 830C rất thông thoáng. Tuy nhiên, kể từ khi có trạm cân đặt ở quốc lộ, gần như xe tải không đi thẳng quốc lộ mà vào tỉnh lộ để né trạm cân. Xe cộ chạy thâu đêm suốt sáng. Mỗi ngày có hàng ngàn xe tải đi theo tỉnh lộ 830C nhưng đường này chật hẹp, xe đổ vào đông đúc tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông và sớm hư hỏng đường.

Sẽ dời đến nơi hợp lý

Dư luận tại địa phương thắc mắc việc bố trí trạm cân ở vị trí khó hiểu khiến hiệu quả kiểm soát tải trọng không đạt được. Bởi lẽ, trước trạm cân có một “lối thoát” lý tưởng cho xe quá tải. Ông Nguyễn Minh Lâm, Chủ tịch UBND huyện Bến Lức, thừa nhận qua kiểm tra thực tế có thực trạng nói trên. Qua phản ánh của báo Pháp Luật TP.HCM, UBND huyện sẽ chỉ đạo CSGT phối hợp với các ngành liên quan tăng cường kiểm tra tuyến tỉnh lộ 830C để hạn chế xe quá tải vào đây né trạm cân.

Ông Nguyễn Văn Chỉnh, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An, cũng nhìn nhận trạm cân đang nằm ở vị trí bất hợp lý. Sở dĩ như vậy là Sở GTVT chưa tìm được mặt bằng phù hợp để đặt trạm cân chứ không có chuyện... chung chi, tiêu cực như phản ánh của dư luận. “Quá trình cân xe dễ bị lấn chiếm mặt đường, gây ùn tắc và nguy cơ tai nạn. Nhưng qua khảo sát lại không có mặt bằng hợp lý nên bất đắc dĩ chúng tôi mới đặt trạm tại vị trí nói trên. Lợi thế tại khu vực này là khi cân xe, đường khu vực này rộng nên hạn chế ách tắc giao thông. Tuy vậy, tình trạng hiện nay của trạm di động này là đành phải... nằm bất động” - ông Chỉnh nói.

Vậy tại sao không đặt trạm cân phía bên này cầu Bến Lức để đón được tất cả xe tải từ các tỉnh miền Tây về TP.HCM? Theo ông Chỉnh, ở khu vực vừa đề cập cũng không có vị trí hợp lý để đặt trạm cân. “Tuy nhiên, sắp tới đây chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát và xin chủ trương tỉnh di dời trạm cân hiện tại về vị trí phía bên kia cầu Bến Lức tại khu vực mũi tàu cầu Ván (huyện Thủ Thừa). Đây là khu vực đất công khá rộng nên sau khi được tỉnh phê duyệt, chúng tôi sẽ bố trí trạm tại khu vực này sao cho hợp lý và an toàn” - ông Chỉnh thông tin.

( Trạm cân điện tử ) Theo: phapluattp

Bình luận

Tin tức mới Xem tất cả