Ninh Bình: Xe tải “tàng hình rụt chân” ăn gian tải trọng
Dòng xe được thiết kế có 5 trục bánh xe nhưng khi lưu thông thì chỉ sử dụng 4 trục như thế này
Thay vì để trục bánh xe ở giữa (một chân - PV) chạy trên đường, cánh tài xế xe tải lại “rút” bớt một chân lên để xe chạy được nhanh hơn và đỡ tốn dầu, hại lốp. Đó là thực tế mà lực lượng TTGT Ninh Bình vừa phát hiện và xử lý.
Ông Nguyễn Văn Điều, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT Ninh Bình cho biết, ngày 30/6, tại Km28+500 và Km29+00 trên QL12B qua địa phận huyện Nho Quan (Ninh Bình), lực lượng thanh tra đã phát hiện và bắt quả tang hai xe tải BKS 26C-017.21 do Vũ Văn Cường (SN 1987, trú tại Vân Hồ, Sơn La) điều khiển và xe tải BKS 26C-040.33 do Nguyễn Đức Hào (SN 1980, ở Mộc Châu, Sơn La) điều khiển vi phạm lỗi chở quá tải từ 10-30%.
Đáng lưu ý, cả hai xe nói trên khi lấy xi măng tại một công ty đóng trên địa bàn đã cân tải trọng tại công ty, nhưng không quá tải bởi khi qua cân tải trọng, các xe này thả đủ cả 5 trục bánh xe xuống. Tuy nhiên, khi lưu thông trên đường, tài xế các xe này đã tự động nhấc một trục bánh xe ở giữa lên và chỉ chạy bốn trục bánh xe.
“Khi phát hiện ra sự việc trên, chúng tôi đã nhanh chóng bám theo và chụp lại hình ảnh của cả hai xe nói trên làm bằng chứng. Khi kiểm tra, lái xe cho rằng không vi phạm tải trọng và đưa ra phiếu cân của công ty. Tuy nhiên, khi chúng tôi đưa ra hình ảnh xe chạy “rụt” một chân lên thì lái xe mới thừa nhận việc “thả” là để xe cân đủ tải trọng, còn khi chạy “rụt” chân sẽ giúp xe chạy nhanh hơn, đỡ hại lốp, tốn dầu”, ông Điều kể.
Ông Điều phân tích, những xe này khi gặp trạm cân thì hạ trục bánh ở giữa xuống nên xe không quá tải. Tuy nhiên, khi qua trạm cân thì lại co trục lên để chạy cho nhanh, đỡ hại lốp, tốn dầu. Vô hình chung, tải trọng trên xe có sự thay đổi khi các trục bánh xe còn lại tiếp xúc mặt đường.
Tại hiện trường, TTGT Ninh Bình phát hiện và xử lý xe 26C-017.21“co một chân” chạy trên đường với lỗi vi phạm quá tải từ 10-30% trong khi cân tại công ty lại đủ tải
Trao đối với Báo Giao thông, ông Nguyễn Trung Thao, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 3501S Ninh Bình cho biết, thời gian qua, có vài trường hợp xe tải 5 trục đến đăng kiểm. “Đây là loại xe có một trục có thể nâng, hạ xuống theo thiết kế của nhà sản xuất. Khi đến đăng kiểm cũng cấp phép theo đúng quy định”, ông Thao nói.
Theo ông Thao, dòng xe 5 trục này được thiết kế cho phù hợp địa hình đường vùng núi hay những nơi địa hình xấu, bắt buộc xe phải nâng hoặc hạ một trục bánh để đi. Theo nguyên tắc, khi xe không có hàng, lái xe muốn giảm bớt ma sát trên đường để cho xe chạy nhanh hơn, giảm nhiêu liệu hơn thì có thể nâng một trục lên để chạy. Tuy nhiên, nếu xe chở hàng mà lại nhấc trục lên thì các trục còn lại sẽ bị quá tải, có hại cho tuổi thọ trục bánh xe, lốp xe.
“Theo thiết kế, tổng tải trọng trên xe được dàn đều cho 5 trục bánh. Khi nâng lên một trục, tải trọng của xe sẽ đè xuống các trục còn lại. Cũng giống như con người vậy, mình bê một đồ vật bằng hai tay thì sức chịu đựng sẽ được lâu hơn là đỡ bằng một tay”, ông Thao ví dụ.
Ông Nguyễn Văn Điều cho biết thêm, những loại xe có trục co, duỗi này chủ yếu từ Sơn La xuống Ninh Bình lấy xi măng. Các xe này nếu để trục thứ 5 xuống lưu hành thì không quá tải, nhưng khi lưu thông trên đường co trục lại thì lại quá tải. “Chiêu ăn gian tải trọng xe này rất tinh vi. Nếu không chụp được ảnh làm bằng chứng, bắt quả tang thì trong thời gian ra hiệu lệnh dừng xe, họ đã hạ trục bánh xe thứ 5 xuống, sẽ không bắt lỗi lái xe được. Bản thân lái xe cũng thừa nhận, chưa từng bị xử lý vi phạm này bao giờ”, ông Điều cho hay.
( Trạm cân ô tô ) Theo vovgiaothong