Danh mục
SECO TƯ VẤN GIẢI PHÁP TRỌN GÓI
Lượt truy cập
  • 18
  • 2474
  • 7,567,585

Cách dùng chế phẩm IMO biến rác thành phân bón, tiết kiệm hàng trăm triệu mỗi năm

  07/10/2022

Trái cây rụng, cỏ, rác, gừng, sả,… được nông dân Đồng Nai dùng IMO để biến hóa thành phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng, xịt khử mùi hôi trong không khí. Nhờ vậy mà môi trường nông thôn ngày càng sạch, sản phẩm nông nghiệp tốt, chất lượng và an toàn hơn.

Nông dân ứng dụng IMO trong sản xuất nông nghiệp

Sở NNPTNT Đồng Nai cho biết việc phát triển nông nghiệp hữu cơ là một trong 4 nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI.

Nông dân Đồng Nai dùng chế phẩm IMO biến rác thành phân tiết kiệm hàng trăm triệu mỗi năm - Ảnh 1.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
  •  
  •  
  •  
  •  

Ông Nguyễn Thanh Liễu phấn khởi vì trái cây trong vườn phát triển tốt sau khi ứng dụng IMO vào sản xuất nông nghiệp, biến rác thành phân bón, tiết kiệm hàng trăm triệu mỗi năm. Ảnh: Nha Mẫn

Thực tế, đến nay toàn tỉnh Đồng Nai đã có 700 hộ nông dân, đa số là nông dân tại huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) ứng dụng kỹ thuật IMO và MEVI để tạo ra phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xử lý chuồng trại chăn nuôi,… 

Từ cuối năm 2018, huyện Vĩnh Cửu là địa phương tiên phong trong cả nước triển khai mô hình sử dụng men vi sinh bản địa IMO để sản xuất phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học và xử lý mùi hôi chất thải trong chăn nuôi với chi phí thấp. 

 

Nông dân Đồng Nai dùng chế phẩm IMO biến rác thành phân tiết kiệm hàng trăm triệu mỗi năm - Ảnh 2.

Chủ yếu cây ăn trái có múi được dùng phân ủ từ IMO nhiều. Ảnh: Nha Mẫn

 

Đến nay, toàn bộ 12 xã, thị trấn của huyện Vĩnh Cửu đã đồng loạt ứng dụng IMO trong sản xuất, tạo nền tảng cho phát triển nền nông nghiệp sạch, thân thiện môi trường.

Nhiều nông dân cho biết, công thức tạo men vi sinh IMO cũng khá đơn giản, bao gồm nước men giống, cám gạo, đường nâu và nước sạch. 

Tất cả nguyên liệu trộn đều, ủ trong thùng nhựa có nắp đậy, mỗi ngày mở nắp khuấy 1 lần, sau 7 ngày có thể sử dụng. Chi phí làm ra 1 lít IMO chỉ mất 800 đồng - 1.000 đồng.

Nhằm ghi nhận thực tế về tình hình nông dân ứng dụng IMO vào sản xuất, phóng viên Báo Dân Việt đã có mặt tại xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu nơi có nhiều nông dân thành công mô hình này.

 

Nông dân Đồng Nai dùng chế phẩm IMO biến rác thành phân tiết kiệm hàng trăm triệu mỗi năm - Ảnh 3.

Cận cảnh men ủ phân. Ảnh: Nha Mẫn

 

Đầu tiên phóng viên tìm đến vườn cam, quýt, bưởi rộng 4 ha của ông Nguyễn Thanh Liễu (ông Liễu cũng là Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiếu Liêm). Theo quan sát, khu vườn được ông Liễu trồng rất nhiều cây riềng, sả, gừng, đây là những sản phẩm được tận dụng làm thuốc bảo vệ thực vật để phun xịt phòng, diệt sâu bệnh cho cây trồng. 

Ngoài ra vườn cây ăn trái của ông Liễu cũng rất sạch sẽ, lá, trái non rụng được gom lại cẩn thận để sử dụng làm phân bón “nuôi” lại khu vườn.

 

Nông dân Đồng Nai dùng chế phẩm IMO biến rác thành phân tiết kiệm hàng trăm triệu mỗi năm - Ảnh 4.

Cam cho trái nhiều nhờ bón phân ủ từ IMO. Ảnh: Nha Mẫn

 

Chia sẻ với phóng viên, ông Liễu cho biết để ủ phân từ IMO, ông Liễu lắp đặt một bồn nhựa chứa phân lớn ở vườn. Cạnh đó là một hồ nước kèm máy bơm công suất mạnh để pha phân, tưới phân theo tỷ lệ định sẵn, phù hợp với từng loại cây, phù hợp với thời tiết. 

Khi bắt đầu làm phân từ IMO thì ông Liễu và nhiều nông dân được thầy hướng dẫn, sau đó từ công thức của thầy thì Phòng NNPTNT và Hội Nông dân cùng nhau nghiên cứu, thêm bớt mỗi thứ một ít để tạo ra một sản phẩm phù hợp hơn. 

Ở Vĩnh Cửu, nông dân được nhận men gốc có sẵn nên không cần phải loay hoay với bài toán men gốc. Do đó việc ủ phân từ IMO khá thuận lợi, tất cả đều dễ dàng làm được.

 

Nông dân Đồng Nai dùng chế phẩm IMO biến rác thành phân tiết kiệm hàng trăm triệu mỗi năm - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Văn Thanh khoe men tự ủ. Ảnh: Nha Mẫn

 

Ông Liễu hướng dẫn: “Đã có sẵn men gốc nên bà con nông dân chỉ cần tạo men theo công thức 1-2-3-5, tức là 1 đường - 2 cám gạo - 3 lít mật rỉ - 5 lít men gốc để tạo ra chế phẩm ủ phân hữu cơ số lượng lớn. Ví dụ cần pha 1 bồn men khoảng 100 lít thì sẽ bơm 75 lít nước, số còn lại là hỗn hợp pha trộn như trên, ủ khoảng trên 10 ngày là cho ra 100 lít men”.

Theo ông Liễu, có IMO sẽ làm được nhiều việc, trong đó tận thu được các phụ phẩm nông nghiệp ở trong vườn như trái non, trái rụng, rau rác, tất cả cho vào hầm, bồn và đổ men vào ngâm 20-25 ngày. 

Nông dân Đồng Nai dùng chế phẩm IMO biến rác thành phân tiết kiệm hàng trăm triệu mỗi năm - Ảnh 6.

Những vườn cây xanh tươi được chăm sóc bằng phân, thuốc ủ từ IMO của nông dân Vĩnh Cửu. Ảnh: Nha Mẫn

Sau thời gian này, rác sẽ hoai mục đưa ra sử dụng bón cho cây trồng. Ngoài ra, IMO còn giúp tận dụng được phân thải của động vật như phân bò, phân gà, phân heo để bón cho cây. 

Nông dân sẽ đóng bao phân động vật, đem bỏ dưới gốc cây sau đó dùng dao, liềm rạch gốc, phun xịt chế phẩm IMO vào bao phân. Theo thời gian bao, phân bị hoai mục nên cây trồng hấp thụ phân dần dần, thẩm thấu vào đất dần. 

 

Nông dân Đồng Nai dùng chế phẩm IMO biến rác thành phân tiết kiệm hàng trăm triệu mỗi năm - Ảnh 7.

Phân và thuốc ủ từ rác thải và men IMO sẽ được bón, phun trực tiếp cho cây trồng. Ảnh: Nha Mẫn

 

Đặc biệt nông dân có thể dùng IMO làm ra thuốc bảo vệ thực vật bằng cách ủ với gừng, riềng, sả rồi phun xịt cho cây trồng để bảo vệ cây trồng trước tác động của sâu bệnh,…

Quan trọng là hiểu được quy trình phát triển của cây trồng để tạo ra định lượng phun xịt, bón phân trên từng loại cây trồng. Có giai đoạn sẽ bón lá, có giai đoạn tưới gốc và phải dựa vào thời tiết mưa nắng để phun tưới cho phù hợp. 

IMO không phải là thần dược nhưng IMO dần gánh vác được 60 - 70% vật tư sử dụng trong vườn, góp phần giúp vườn sạch, thân thiện, sản phẩm tạo ra sạch, chất lượng tốt hơn, tốt cho sức khỏe, chi phí sản xuất thấp giá thành bán ra thấp hơn. 

Nông dân Đồng Nai dùng chế phẩm IMO biến rác thành phân tiết kiệm hàng trăm triệu mỗi năm - Ảnh 8.

Nông dân Vĩnh Cửu trồng sả, riềng, gừng để ủ với IMO tạo thành thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: Nha Mẫn

"Thực tế, nếu sử dụng hóa học sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người làm vườn còn sử dụng phân thuốc từ IMO sạch, đảm bảo an toàn. Như vườn tôi nhờ sử dụng IMO mà mỗi năm tiết kiệm được tiền thuê nhân công. Trước đây tôi phải thuê người làm vườn, mỗi năm mất 250 triệu - 280 triệu tiền nhân công nhưng nay vợ chồng con cái tự làm nên không mất tiền nhân công. Bên cạnh cái lợi thì cũng có một vài hạn chế đó là sản xuất sạch cây trồng phát triển chậm, mẫu mã trái cây không đẹp bằng sử dụng các sản phẩm hóa học”, ông Liễu nhấn mạnh.

Nông dân tiết kiệm được chi phí sản xuất nhờ ứng dụng IMO

Rời vườn ông Liễu, chúng tôi đến vườn của nông dân Nguyễn Văn Thanh (ngụ ấp 1, xã Hiếu Liêm). Ông Thanh cũng là một trong những nông dân thành công với việc sử dụng IMO để phục vụ số lượng lớn cây trồng như bưởi, cam, quýt, bưởi, ổi, đu đủ, sâm Bố Chính,… Nhờ sử dụng phân, thuốc ủ từ IMO, cây trái trong vườn của ông Thanh tươi tốt, chất lượng.

Nông dân Đồng Nai dùng chế phẩm IMO biến rác thành phân tiết kiệm hàng trăm triệu mỗi năm - Ảnh 9.

Ông Nguyễn Văn Thanh thử sức với sâm Bố Chính và nhờ bón IMO vụ thu hoạch sâm Bố Chính cũng cho năng suất cao. Ảnh: Nha Mẫn

Đưa chúng tôi ra vườn, ông Thanh chỉ cho chúng tôi những bể phân, hướng dẫn cách tạo ra phân và rất thoải mái khi nói về ứng dụng IMO trong sản xuất. Cũng nhờ vậy ông Thanh hiện nay đang là một trong những nông dân có thu nhập cao, ổn định tại địa phương.

Ông Thanh cho biết, ông muốn sản xuất ổn định, lâu dài và giữ được giá trị dinh dưỡng của đất nên quyết định đi theo hướng làm nông sản sạch. Sử dụng sản phẩm từ việc ứng dụng IMO đã giúp ông cải tạo đất, giúp hệ vi sinh trong đất tốt, ức chế vi sinh có hại cho đất, giảm thiểu thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng.

Nông dân Đồng Nai dùng chế phẩm IMO biến rác thành phân tiết kiệm hàng trăm triệu mỗi năm - Ảnh 10.

Ông Thanh chăm chút sản phẩm của vườn. Ảnh: Nha Mẫn

“Chế phẩm IMO ứng dụng để ngâm xác, bã động thực vật, chất thải trong sản xuất nông nghiệp, thay vì bỏ ra môi trường thì ngâm với IMO để ủ phân bón cho cây trồng, giảm mùi hôi thối, tạo ra phân bón rất tốt. Khi bắt đầu dùng IMO, tôi học hỏi từ cán bộ ngành nông nghiệp sau đó tự làm, vừa làm vừa học hỏi và đến nay cũng thành công sử dụng IMO trong vườn đã 2 năm. Nhờ vậy gia đình tôi không còn tốn tiền mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên tiết kiệm được chi phí sản xuất, sản phẩm bán ra được ưa chuộng hơn vì là sản phẩm sạch”, ông Thanh nói.

Nông dân Đồng Nai dùng chế phẩm IMO biến rác thành phân tiết kiệm hàng trăm triệu mỗi năm - Ảnh 11.

Sâm Bố Chính củ to đẹp nhờ được trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ. Ảnh: Nha Mẫn

Ông Nguyễn Đức Nam, Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Vĩnh Cửu nói rằng, nhiều năm qua Huyện ủy - UBND huyện đặc biệt quan tâm đến phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh.

Do đó, thời gian gần đây Phòng NNPTNT huyện đã triển khai sử dụng chế phẩm sinh học trong phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, xử lý môi trường, tận dụng phụ phẩm, rác thải nông nghiệp để ủ tạo ra phân bón nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và bà con nông dân tham gia sản xuất. 

Việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ giúp tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, cân bằng sinh thái trong đất, giúp phát triển nông nghiệp bền vững, phát triển du lịch sinh thái của địa phương.

"Có trên 450 lượt nông dân sử dụng chế phẩm sinh học IMO và MEVI, mang lại nhiều hiệu quả cho bà con. Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch, thu hút nhiều bà con hướng đến nhằm phát triển du lịch vườn, du lịch sinh thái của địa phương", ông Nam nói thêm.

Nông dân Đồng Nai dùng chế phẩm IMO biến rác thành phân tiết kiệm hàng trăm triệu mỗi năm - Ảnh 13.

Ông Nguyễn Đức Nam, Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Vĩnh Cửu chia sẻ về ứng dụng IMO trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Nha Mẫn

Liên quan đến ứng dụng kỹ thuật IMO và MEVI vào sản xuất, nhân chuyến công tác tại huyện Vĩnh Cửu, ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đánh giá, mô hình tái chế chất thải thành phân bón là giải pháp bảo vệ môi trường hữu ích và bền vững, không chỉ góp phần giải quyết được những vấn đề ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt mà còn góp phần giảm tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt.

Trước đây tại huyện Vĩnh Cửu rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn khá nhiều và hầu như không được thu gom, xử lý đúng cách. Nhưng hiện tại, nhiều hộ gia đình trồng cam, quýt quy mô lớn phải đi xin rác ở các chợ, từ hộ dân khác về ủ làm phân bón. Các đoàn thể cũng tự ủ phân bón để làm đường hoa. Người dân nông thôn tự động thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt mà không cần phải nhắc nhở.

 

Đồng thời nhiều trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu cũng xử lý được mùi hôi nhờ sử dụng men vi sinh theo hướng dẫn của Phòng NNPTNT và Phòng TNMT huyện Vĩnh Cửu. Ban đầu, họ được cấp phát men vi sinh tại UBND xã, thị trấn, nhà văn hóa ấp. Về sau, các hộ và trang trại tự làm men vi sinh tại nhà.

Bình luận

Tin tức mới Xem tất cả