Nuôi bò 3B "khổng lồ" trên đệm lót sinh học, một hội viên Hội Nông dân Hà Nam thu lời lớn
Với "tuyệt chiêu" sử dụng bã bia và mùn cưa làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi bò 3B sinh sản và bò 3B vỗ béo, anh Lại Văn Soàn, xã Đồn Xá, huyện Bình Lục (Hà Nam) đã xử lý hoàn toàn được phân hữu cơ và nước thải của trang trại nuôi hàng trăm con bò của mình, mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng.
>>> Ngoài ra còn có thể sinh lời bền vững bằng cách sản xuất phân bò hữu cơ
Một ngày mùa hè nắng như rang ở miền Bắc, tôi có dịp được cùng Hội Nông dân tỉnh Hà Nam giới thiệu về mô hình nuôi bò 3B sinh sản và bò 3B vỗ béo đang rất thành công của hộ anh Lại Văn Soàn ở xã Đồn Xá.
Dù ngoài trời nhiệt độ luôn trên 37 độ C, nhưng khi bước vào bên trong trang trại bò của anh Soàn thì lại là một không khí rất thoáng mát, đặc biệt là không có bất kỳ mùi hôi nào từ bên trong trang trại này.
Những ngày nắng nóng, anh Soàn bơm nước lên trên mái 24/24. Bên dưới, hệ thống máy quạt gió hoạt động hết công suất. Bên trong chuồng, những chú bò 3B có trọng lượng "khổng lồ" 600 - 800kg/con vẫn thong dong vui đùa, gặm cỏ.
An Lại Văn Soàn cho biết, trang trại của anh có thể nuôi tối đa 1.000 con bò 3B sinh sản và 3B vỗ béo tại xã Đồn Xá, huyện Bình Lục (Hà Nam). Ảnh: Bình Minh
Anh Soàn chia sẻ, trước đây làm việc trong cơ quan nhà nước. Nhưng động lực tìm cho bản thân những thử thách mới đã thôi thúc anh cùng một số người bạn thành lập trang trại nuôi bò 3B sinh sản và bò 3B vỗ béo.
Để có được nguồn con giống chất lượng, anh Soàn đã liên kết khoảng trên 50 hộ nông dân. Theo đó 50 hộ này cũng chăn nuôi theo quy trình của trang trại của anh Soàn đang áp dụng, từ vaccin, thức ăn...
Hiện nay, trang trại của anh Soàn có thể nuôi cỡ 1.000 con bò. Các chuồng được phân chia rất hợp lý, khoa học. Những con bò được đưa về trại được nuôi chung trong một chuồng, sau đó tiêm vaccine. Tiếp đó, phân loại trọng lượng từng con để có những phương pháp vỗ béo khác nhau.
Anh Lại Văn Soàn (bên phải) chia sẻ với ông Phạm Văn Thiện, Giám đốc Trung tâm Môi trường nông thôn thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và cán bộ Hội Nông dân tỉnh Hà Nam về kỹ thuật nuôi bò 3B sinh sản và bò 3B vỗ béo. Ảnh: Bình Minh
Để chủ động được nguồn thức ăn thô xanh, anh Soàn cho biết, anh mới thuê diện tích 100ha ở huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) để trồng ngô. Bên cạnh phục vụ nguồn thức ăn cho trang trại, vùng nguyên liệu này cũng sẽ cung ứng cho 50 hộ dân liên kết chăn nuôi bò.
Bên cạnh việc chủ động nguồn thức ăn, anh Soàn đã áp dụng rất bài bản quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Theo đó, để xử lý mùi hôi của phân bón hữu cơ và nước thải từ bò, anh đã dùng bã bia và mùn cưa để làm đệm lót sinh học. Kết quả đã mang lại hiệu quả cao, tiết kiệm được chi phí.
Với việc sử dụng đệm lót sinh học từ bã bia và mùn cưa trong chăn nuôi bò 3B sinh sản và 3B vỗ béo, trang trại của anh Soàn đã xử lý hoàn toàn được mui hôi từ phân bò. Ảnh: Bình Minh
Ông Soàn chia sẻ: "Trước đây, hàng ngày công nhân phải dọn chất thải với hình thức thu gom thủ công. Tuy nhiên, lượng phân thải ra rất lớn nên có những lúc việc thu gom chưa kịp thời gây mùi khó chịu và phát sinh các côn trùng có hại như ruồi, muỗi. Mỗi khi thu gom chất thải lại phải lùa đàn bò ra khu vực khác và vận chuyển phân thải ra chỗ riêng để xử lý nên mất rất nhiều công sức".
"Tuy nhiên, từ khi sử dụng bã bia và mùn cưa đệm lót sinh học xử lý chất thải chăn nuôi bò đã giảm thiểu mùi hôi thối rõ rệt, không phải mất công sức dọn dẹp thường xuyên, đồng thời tạo nguồn phân bón hữu cơ cho diện tích trồng cỏ. Sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi đã giúp tôi trút được gánh nặng khi hàng ngày không phải xử lý lượng phân thải quá lớn"
Anh Soàn đã áp dụng công thức phối trộn thức ăn để giảm thiểu chi phí trong chăn nuôi bò. Ảnh: Bình Minh
Anh Soàn cũng cho hay, trong thời buổi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao như hiện nay đã ảnh hưởng rất lớn đến người chăn nuôi. Để khắc phục những khó khăn này, anh đã sử dụng công thức phối trộn thức ăn để giảm thiểu chi phí, nhưng vẫn giữ được năng suất.
“Chăn nuôi bò tiêu thụ rất nhiều thức ăn, chi phí cám công nghiệp tốn tới 1,2 triệu đồng/con/tháng, nên tôi tích cực sử dụng các nguyên liệu thay thế như rơm phơi khô, trước khi cho ăn tưới thêm rỉ mật, thức ăn ủ chua”, anh Soàn chia sẻ.
>>> Giá máy ép viên phân hữu cơ
Với công thức phối trộn thức ăn, trung bình mỗi con một tháng chỉ tốn 600.000 – 800.000 đồng tiền cám. Ảnh: Bình Minh
Đặc biệt, bằng kinh nghiệm của mình anh Soàn đã tự hoàn thiện công thức nấu cám chín với nguyên liệu chính từ ngô. Công thức như sau: Giai đoạn tạo khung, sử dụng 50% ngô, 25% sắn, 25% cám gạo; giai đoạn vỗ béo tăng lên 70% ngô kèm thêm cám đậm đặc kết hợp cây ngô và cỏ ủ chua, giúp bò béo nhanh, đỏ thịt, lượng mỡ rất ít so với bò ta.
Kết quả thu được ngoài mong đợi. Trung bình mỗi con một tháng chỉ tốn 600.000 – 800.000 đồng tiền cám, rẻ hơn rất nhiều so với việc phải chi tới 1,2 – 1,5 triệu đồng để mua cám công nghiệp. "Tuy nhiên, nuôi bò 3B không phải quá “dễ ăn” mà cũng phải đối mặt với khá nhiều khó khăn", anh Soàn nói.
>>> Tham khảo thêm các loại Máy sản xuất phân bón hữu cơ
Ông Trần Văn Cương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Lục (tỉnh Hà Nam) cho biết, trang trại chăn nuôi bò 3B sinh sản và 3B vỗ béo của anh Lại Văn Soàn là một trong những mô hình điển hình về chăn nuôi áp dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Bình Lục. Đây được xem là mô hình mang lại hiệu quả cao, thân thiện với môi trường, từ đó hội viên nông dân học hỏi và nhân rộng.