Nhập nhằng trạm cân tải trọng nút giao IC14
Đúng ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10), sáu xe ô tô rơ-mooc loại sáu trục chở hàng xuất khẩu sang Trung Quốc nằm ỳ tại nút giao IC 14 (km 149+705) cao tốc Nội Bài - Lào Cai (đoạn qua huyện Văn Yên, Yên Bái) suốt 24 giờ, với một lý do đơn giản: Xe quá tải trọng nên trạm thu phí đường cao tốc từ chối.
Điều lạ là, toàn bộ hàng xuất khẩu là tinh bột sắn được đóng bao qui chuẩn 50 kg/bao, được ghi rõ trong hóa đơn VAT số bao, số kg và được cân tải trọng của nhà máy sắn Văn Yên khi giao cho lái xe vận chuyển đều dưới 33 tấn; cộng với tải trọng qui chuẩn của xe là 18 tấn, tổng cộng là 51 tấn, nhưng khi vào trạm cân nút IC 14 đều vượt tải trọng từ 13 đến 14%, nghĩa là hơn 54 tấn, một sự sai số không tưởng.
Khi các phóng viên báo chí cùng một số cảnh sát giao thông thuộc C67 chứng kiến, đưa một xe vào cân tải trọng, thì khi cân hai lần sai số khá lớn. Điển hình, xe tải rơ-mooc 98R-00781 cân lần đầu là 54.502 kg, sau khi quay đầu tại chỗ để cân lần hai thì kết quả là 54.716 kg, sai số hơn 200 kg (đều vượt tải trọng cho phép hơn 13%). Khi doanh nghiệp trình hóa đơn VAT theo xe là 33,1 tấn, với số lượng bao qui chuẩn xuất khẩu là 1.655 bao loại 50 kg, cam kết đúng bởi là hàng xuất không thể trái hợp đồng. Như vậy, giữa số liệu cân tải trọng của trạm IC 14 "vênh" hơn ba tấn, nghĩa là vượt tải trọng hơn 13% nên vin vào lý do trên trạm IC 14 từ chối không cho xe vào đường cao tốc.
Không tin vào sự vô lý trên, chủ hàng đề nghị trạm cân có hai phương án kiểm tra, một là cho xe đi cân tải trọng đối chứng tại trạm IC 12 cũng thuộc sự quản lý của Trung tâm cao tốc (cự ly hơn 30 km), hai là chủ hàng sẵn sàng cho người bốc xếp, cân đếm lại số bao qui chuẩn tại chỗ nhằm chứng minh số lượng hàng chở là đúng tải. Nhưng, lãnh đạo và nhân viên trạm cân nút IC 14 từ chối thẳng thừng, với lý do: Cân này được kiểm định vào tháng 5-2015 không cần kiểm chứng.
Khi trao đổi qua điện thoại với ông Trần Quang Thanh, Phó Giám đốc trung tâm cao tốc Nội Bài - Lào Cai, ông Thanh giãi bày: Việc cân có sai số 5% là đúng theo tiêu chuẩn đăng kiểm. Còn việc các phương tiện khi cân tải trọng vượt quá 10% tải trọng, theo Điều 14 của Thông tư 90 Bộ Giao thông vận tải, thì chúng tôi từ chối phục vụ. Còn các xe muốn vào đường cao tốc thì phải tuân thủ tải trọng cho phép, không có ngoại lệ.
Để làm rõ việc cân tải trọng tại trạm IC 14 có gì lạ, khi xe tải rơ-mooc BKS 19C- 064.25 thuộc công ty TNHH Song Tùng (Phú Thọ), do lái xe Nguyễn Hữu Long điều khiển chạy từ Lào Cai về qua trạm IC 14, đã được các phóng viên mời thử cân tải trọng đối chứng. Kỳ lạ thay, xe này vượt tải 13,4%, trong khi phiếu cân tải trọng tại điểm Lào Cai chỉ vượt 1%, nghĩa là cùng một đơn vị quản lý trạm cân cao tốc Nội Bài - Lào Cai, mà hai cân tải trọng sai số hơn 12%, không hiểu cơ quan quản lý đường cao tốc nói gì về điều này.
Việc gây khó dễ cho doanh nghiệp vận tải tại nút giao IC 14 là có thật, trước đó tại nút giao IC 12 đoạn qua TP Yên Bái, cuối tháng 8 và tháng 9-2015 ban ngày có hàng trăm xe sáu trục chở hàng đông lạnh nằm ỳ cả vài km để chờ qua trạm cân tải trọng, đến nửa đêm về sáng là "lọt" trạm cân tải trọng lên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, mà không hiểu chuyện gì xảy ra. Việc này đã được các cơ quan báo chí phản ánh, công an tỉnh Yên Bái vào cuộc, nay đã giảm.
Không thể để lái xe và hàng xuất khẩu theo vận đơn hợp đồng chậm thêm một ngày nữa, đến trưa 14-10 doanh nghiệp buộc ấm ức hạ tải trọng sang một xe khác để vào cao tốc kịp giao hàng. Một lãnh đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh Yên Bái sau khi kiểm chứng sự việc cũng phải thốt lên: Hành doanh nghiệp kiểu này chỉ có ở trạm cân trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, nếu cứ tiếp diễn thì người dân và doanh nghiệp không biết tin vào cân điện tử nào đúng, sai. Bởi lẽ, cân điện tử của nhà máy sắn Văn Yên cũng được cơ quan nhà nước kiểm định chính xác, các bao hàng xuất khẩu cũng được kiểm định chính xác.
Vậy lỗi "đột biến" tăng cả mấy tấn hàng tại khâu nào khi qua trạm cân IC 14? Phải chăng có sự "nhập nhằng" cân tải trọng để đòi chung chi như đã từng xảy ra ở trạm cân IC 12?
Theo báo nhandan