Đắk Nông: Dân kêu trời vì các trang trại nuôi heo xả thải gây ô nhiễm nguồn nước
Nhiều người dân sinh sống tại thôn Nam Tiến xã Ea Pô đang phải “kêu trời”, bởi vì nguồn nước nơi đây đã bị ô nhiễm trầm trọng. Thủ phạm là do gần chục trang trại nuôi heo đang xả thải ra các dòng suối tự nhiên.
>>> Quy trình xử lý chất thải chăn nuôi lợn làm phân hữu cơ phân compost bán giá cao
Dân kêu trời vì ô nhiễm nguồn nước
Sáng ngày 09/10 vừa qua, nhóm PV chúng tôi đã có mặt tại khu vực thôn Nam Tiến xã Ea Pô huyện Cư Jút, để ghi nhận lại tình trạng ô nhiễm môi trường nước do các trang trại nuôi heo nơi đây gây ra.
Như nguồn tin phản ánh từ người dân, vừa đến nơi và bước ra khỏi xe ô tô thì chúng tôi đã cảm nhận được mùi hôi thối nồng nặc đang bao trùm trong không khí do phân heo bốc lên. Các dòng nước suối tại đây đã chuyển sang màu đen và sánh đặc.
Nước suối tại thôn Nam Tiến xã Ea Pô đã chuyển màu đen và sánh đặc do nguồn thải của các trang trại nuôi heo |
Lần theo dòng suối nhỏ để đến nơi chứa thải của một trang trại nuôi heo nơi đây, chúng tôi phát hiện nước thải từ các hồ chứa của những trang trại nuôi heo này được xả chảy thẳng ra suối mà không qua các giai đoạn xử lý như theo quy định.
Cách xử lý chất thải tại một trang trại nuôi heo, chất thải đang được lắng trong một bể chứa |
Trao đổi với nhóm PV, ông T.V.T (56 tuổi) là một người dân sinh sống tại đây búc xúc cho biết: “Việc các trang trại nuôi heo xả thải ra môi trường đã gây ô nhiễm nguồn nước trầm trọng, cuộc sống của các hộ dân chúng tôi nơi đây thật sự bị đảo lộn, nhiều hộ đã đóng cửa nhà và rời đi nơi khác sống, chúng tôi cũng đã rất nhiều lần phản ánh đến chính quyền địa phương, nhưng rồi đâu cũng vào đó”. Ông T còn chỉ cho chúng tôi biết các trang trại khác cũng đang xả thải ra suối, nơi xả thải chỉ cách chúng tôi đứng chưa tới vài trăm mét.
Các ống bơm hút chất thải từ bể chứa của trang trại nuôi heo được nối chảy thẳng trực tiếp ra suối tự nhiện |
Còn bà Đ.M.V (62 tuổi) thì buồn bã cho hay: “Nguồn nước giếng nhà bà bơm lên đã không còn sử dụng được, nước có màu và bay mùi khó chịu nên không dùng để sinh hoạt được. Gia đình bà đã rất nhiều lần kiến nghị nhưng chính quyền địa phương vẫn không hề đến xử lý”.
Bà V còn cho biết trang trại nuôi heo cách nhà bà khoảng hơn 100 m là của ông Tỉnh, một cán bộ quản lý Xã Đội của UBND xã Ea Pô.
Đây là bảng minh họa tóm tắt quy trình các bước xử lý chất thải của trang trại nuôi heo theo quy định hiện nay |
Lãnh đạo UBND xã Ea Pô làm ngơ hay “bảo kê”?
Để tìm hiểu vấn đề trên, vì là ngày chủ nhật nên nhóm PV chúng tôi đã liên hệ qua điện thoại với ông Đinh Công Xoan – Chủ tịch UBND xã Ea Pô huyện Cư Jút, tuy nhiên vị này sau khi nghe PV xin trao đổi công việc thì đã trả lời là đang bận và cúp máy.
Sau đó, nhóm PV chúng tôi tiếp tục gọi điện đến ông Nguyễn Văn Bình- Phó Chủ tịch UBND xã Ea Pô, nhưng sau nhiều lần gọi điện vị này cũng đã không bắt máy.
Theo tìm hiểu của nhóm PV, tại khu vực thôn Nam Tiến có khoảng hơn 7 trang trại chăn nuôi heo có quy mô lớn, số lượng heo lên đến hàng chục ngàn con, tuy nhiên việc xử lý chất thải chưa được giám sát, chất thải được tích trong bể chứa rồi sau đó theo nước mưa hoặc bị bom theo đường ống chảy thẳng ra các dòng suối nhỏ và cuối cùng thì đổ ra lòng hồ thủy điện Sêrêpók gần đó.
Hiện có đến gần chục trang trại nuôi heo tại thôn Nam Tiến xã Ea Pô, số lượng nuôi lên đến hàng chục ngàn con |
Vì sao việc các trang trại nuôi heo tại thôn Nam Tiến xã Ea Pô, xả thải gây ô nhiễm nguồn không khí và nguồn nước tại đây một cách rất nghiêm trọng, vụ việc diễn ra trong thời gian dài và người dân liên tục kêu cứu nhưng mọi việc vẫn chưa được chính quyền địa phương quan tâm xử lý?
Lãnh đạo xã Ea Pô có biết vụ việc người dân “kêu trời” vì ô nhiễm nặng nề hay không? Trách nhiệm thuộc về ai? Cơ quan chức năng huyện Cư Jút tỉnh Đắk Nông sẽ xử lý vấn nạn này như thế nào?
Nhóm PV chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên./.